Thoái hóa khớp háng là một dạng của thoái hóa khớp, thường xảy ra ở độ tuổi trưởng thành trở lên. Bệnh là biểu hiện của tuổi tác và một quá trình mài mòn khớp kéo dài. Bệnh gây đau và làm biến đổi cấu trúc khớp. Nặng nhất người bệnh có thể dẫn đến tàn phế nếu không được điều trị tích cực. Chữa trị sớm sẽ là giải pháp giúp người bệnh giảm thiểu được các cơn đau đớn. Các dấu hiệu thoái hóa khớp háng bạn không nên chủ quan để áp dụng cách điều trị hiệu quả.
Thoái hóa khớp háng là bệnh lý gì?
Thoái hóa khớp háng là căn bệnh chủ yếu gặp ở người lớn tuổi. Bệnh hình thành do yếu tố tuổi tác và do mài mòn khớp kéo dài. Bệnh nhân khi bị thoái hóa khớp háng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống.
Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh sẽ có chuyển biến tích cực. Bệnh nhân sẽ khoẻ mạnh hơn, bệnh phát triển chậm lại, giảm triệu chứng đau đớn và giảm nguy cơ tàn phế. Vậy, dấu hiệu thoái hóa khớp háng là gì?

Thoái hóa khớp háng được chia thành hai thể bệnh như sau:
- Thoái hóa khớp háng nguyên phát: Với tỷ lệ người mắc bệnh lên đến 50%, chủ yếu là người trên 60 tuổi.
- Thoái hóa khớp háng thứ phát: Ở dạng này thì thoái hóa khớp háng còn được chia thành 3 dạng. Thứ nhất, thoái hoá khớp háng sau chấn thương (Gãy cổ xương đùi, trật khớp háng, vỡ ổ cối,…). Thứ hai, thoái hóa khớp háng sau khi bị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi hoặc sau biến dạng mắc phải coxa plana. Cuối cùng là thoái hóa khớp háng trên nền dị dạng cũ (Trật khớp háng, thiểu sản khớp háng,…).
Dấu hiệu thoái hóa khớp háng
Dấu hiệu nhận biết thoái hoá khớp háng thường được chia theo từng giai đoạn bị bệnh:
- Giai đoạn sớm: Đau nhức nhiều ở vùng bẹn, sau đó lan xuống đùi. Cơn đau thi thoảng sẽ lan xuống khớp gối, ra sau mông hoặc vùng mấu chuyển xương đùi. Đau gia tăng khi phải cử động hoặc đứng lâu.
- Giai đoạn sau: Cơn đau xuất hiện nhiều vào buổi sáng khi vừa thức dậy và chiều tối. Cơn đau xuất hiện khi người bệnh chuyển tư thế một cách đột ngột.
- Giai đoạn muộn: Cơn đau xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi. Đặc biệt đau nhiều vào ban đêm hoặc khi thời tiết chuyển mùa.

Bên cạnh những dấu hiệu thoái hoá khớp háng điển hình theo giai đoạn, người bệnh còn cảm thấy:
- Do khớp háng chịu trọng lực cơ thể nhiều nhất, nên khi bị thoái hoá sẽ khiến đi lại khó khăn, khập khiễng.
- Thường xuyên cảm thấy mỏi và tê cứng chân khi phải vận động hoặc co duỗi khớp háng.
- Giảm biên độ hoạt động của khớp háng, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Đặc biệt trong việc ngồi xổm, cúi người, đi vệ sinh, buộc dây giày,…
- Đau nhói khi vận động, tập thể dục xoay người, gập người hoặc dạng háng.
Nguyên nhân thoái hoá
Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh thoái hóa khớp háng dựa theo thể bệnh. Nguyên nhân nguyên phát bao gồm tuổi cao và nguyên nhân thứ phát gồm:
- Chấn thương khớp háng do quá trình lao động hoặc tập luyện, chơi thể thao, ngã khi leo cầu thang,…
- Thoái hóa khớp háng do bẩm sinh (Tức từ khi sinh ra đã có cấu tạo bất thường ở khớp háng hoặc chi dưới).
- Tiền sử khớp háng bị bệnh như viêm thấp khớp, viêm khớp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp do lao,…
- Thoái hóa khớp háng do biến chứng của bệnh gút, tiểu đường, bệnh huyết sắc tố,..
- Do ảnh hưởng của hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi. Bệnh nếu không được điều trị dứt điểm sẽ dễ chuyển thành thoái hóa khớp háng khi sang tuổi trung niên.
Cách điều trị cho bệnh nhân thoái hóa khớp háng
Tuỳ vào mức độ nghiêm trọng của bệnh thoái hoá khớp háng mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị hiệu quả. Cụ thể:
Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa bao gồm:
- Dùng thuốc giảm đau.
- Thay đổi thực đơn, duy trì cân nặng hợp lý.
- Mang thiết bị hỗ trợ như nạng, xe tập đi, gậy,…
- Tập vật lý trị liệu: Giúp tăng cường lưu thông máu và tăng cường sự linh hoạt của các khớp. Bài tập có thể áp dụng đó là bài tập nâng chân cao hoặc bài tập kéo gối.

Điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa được áp dụng khi phương pháp nội khoa không có hiệu quả. Có ba phương pháp điều trị ngoại khoa đang được áp dụng hiện nay:
- Thay một phần khớp háng (Nếu khớp háng chỉ hỏng một phần) và sụn đã bị bào mòn
- Thay toàn bộ khớp háng nhân tạo trong trường hợp bệnh nhân bị bệnh rất nặng, triệu chứng đau nhiều.
- Cắt bỏ xương, hạn chế hình thành gai xương hoặc nặng hơn là biến dạng khớp. Từ đó lấy lại khả năng vận động bình thường cho bệnh nhân.
Mặc dù đem lại hiệu quả nhanh chóng cho người bệnh. Tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật này có thể để lại một số biến chứng không mong muốn. Ví dụ nứt xương đùi, tổn thương thần kinh xung quanh khớp, nhiễm trùng khớp háng, lỏng khớp,… Chính vì vậy, bạn chỉ nên phẫu thuật khi có chỉ định trực tiếp từ bác sĩ lành nghề, am hiểu chuyên môn.
Trên đây là tất cả những dấu hiệu thoái hoá khớp háng cũng như cách điều trị chính xác. Mỗi bệnh nhân nên có ý thức phòng ngừa bệnh càng sớm càng tốt, để hạn chế những biến chứng xấu có thể xảy ra.
>>> Xem thêm: Thoái hoá khớp háng có nguy hiểm không