Thoái hóa đa khớp là một dạng của viêm khớp rất phổ biến. Bệnh xảy ra khi lớp sụn bảo vệ đệm các đầu xương của bị tổn thương. Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp phải nguy cơ tàn tật vĩnh viễn. Đây là bệnh lý tiến triển theo thời gian và không thể điều trị dứt điểm.
Thông tin về bệnh lý thoái hóa đa khớp
Thoái hóa đa khớp là một dạng rối loạn mãn tính, gây tổn thương sụn và các mô xung quanh khớp. Bệnh có thể khiến xảy ra hiện tượng cứng khớp và đau nhức khi vận động. Thoái hóa khớp thường xảy ra ở nhiều khớp khác nhau (Đặc biệt là khớp có tần suất hoạt động nhiều như khớp vai, khớp cổ, khớp gối, khớp bàn chân, khớp cổ tay,…).

Tất cả những trường hợp xảy ra ở 2 khớp trở lên được gọi là thoái hóa đa khớp. Bệnh lý này tiến triển dần theo thời gian và không thể điều trị dứt điểm. Bệnh xảy ra ở đối tượng chính là người cao tuổi và người lao động nặng nhọc.
Nguyên nhân bệnh
Thoái hóa đa khớp xảy ra do nguyên nhân chính vẫn là yếu tố tuổi tác. Tuổi càng cao thì tế bào sụn khớp sẽ giảm dần chức năng tổng hợp chất tạo sợi Collagen. Chính vì thế mà chất lượng sụn kém, tính đàn hồi yếu, dẫn tới thoái hóa.
Bên cạnh nguyên nhân trên, thoái hóa đa khớp còn có thể xảy ra do:
- Do bị ảnh hưởng của các chấn thương, như tai nạn giao thông, tai nạn lao động,…. Nếu sau khi chấn thương không được điều trị chính xác và nhanh chóng thì tổn thương này có thể phát triển thành thoái hoá.
- Do bẩm sinh có cấu trúc xương bất thường. Cấu trúc xương bị sai lệch sẽ dẫn đến tình trạng các đầu xương và sụn va chạm vào nhau trong quá trình vận động. Lâu dần sẽ gây bào mòn sụn khớp và thoái hóa khớp.
- Do thừa cân và béo phì. Khi thừa cân, các khớp sẽ phải chịu áp lực rất lớn, đặc biệt là phần khớp gối. Lâu dần các khớp sẽ bị biến dạng và gia tăng nguy cơ thoái hóa.
- Nội tiết: Rối loạn nội tiết tố trong giai đoạn mãn kinh cũng là nguyên nhân phổ biến gây ra thoái hóa khớp.
- Di truyền: Gia đình có người thân như bố mẹ, anh chị em,… bị thoái hóa khớp thì nguy cơ thoái hóa cũng cao hơn.
Triệu chứng của bệnh lý thoái hóa đa khớp
Giống như những bệnh lý xương khớp khác, bệnh thoái hóa đa khớp trong giai đoạn đầu cũng không có triệu chứng nổi bật. Tuy nhiên theo thời gian, bệnh nhân sẽ gặp phải những dấu hiệu như sau:
- Đau và cứng khớp: Triệu chứng cơ bản của bệnh thoái hóa xương khớp. Những cơn đau này tăng nhiều khi hoạt động và thuyên giảm sau khi nghỉ ngơi.
- Khớp phát ra âm thanh, đặc biệt khi vận động: Phát sinh trong trường hợp sụn bị bào mòn hoàn toàn. Lúc này các đầu xương va chạm vào nhau và tạo ra âm thanh.
- Giảm biên độ chuyển động: Thoái hóa đa khớp làm giảm cường độ vận động của khớp. Nặng nhất có thể kéo theo tình trạng suy giảm cơ bắp ( teo cơ).
- Da bao quanh khớp bị thoái hóa đỏ và nóng: Tổn thương trong mô sụn và xương sẽ khiến vùng da đỏ và nóng hơn bình thường.
- Gai xương: Gai xương có xu hướng hình thành để bù lấp các mô sụn bị bào mòn. Nhưng đồng thời, sự xuất hiện của gai xương có thể gây biến dạng khớp.

Bệnh lý thoái hóa khớp có nguy hiểm không?
Thoái hóa đa khớp sẽ tiến triển theo thời gian nếu không có phương pháp khắc phục kịp thời. Nếu bệnh nặng, cơ thể sẽ có xu hướng phát triển các mô xương ở những vị trí sụn bị bào mòn. Lâu dần sẽ dẫn đến gai xương và tăng nguy cơ biến dạng khớp. Nghiêm trọng hơn, nếu không kịp thời bỏ gai xương, người bệnh có thể mất hoàn toàn chức năng vận động. Hoặc gây tổn thương màng dịch và xuất hiện u nang bao hoạt dịch.
Bên cạnh đó, bệnh thoái hóa đa khớp gây ra ảnh hưởng đến khả năng di chuyển và làm giảm chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy, nếu xuất hiện triệu chứng bất thường, bạn cần được chẩn đoán sớm bằng cách:
- Chụp X-Quang: Hình ảnh từ xét nghiệm này giúp đánh giá tổn thương của khớp và đưa ra phương án điều trị. Đối với bệnh thoái đa khớp, khớp thường có không gian hẹp hơn và xuất hiện gai xương nhỏ.
- Chụp MRI: MRI cung cấp hình ảnh rõ cấu trúc của các mô mềm. Nhờ đó các bác sĩ sẽ tiến hành phân loại bệnh cho phù hợp.
Hướng điều trị cho bệnh nhân thoái hóa khớp
Bệnh thoái hóa đa khớp không thể điều trị khỏi dứt điểm. Tất cả các phương pháp điều trị đều có mục đích duy nhất là cải thiện triệu chứng đau nhức. Đồng thời làm chậm quá trình thoái hóa và phục hồi chức năng vận động cho người bệnh. Một số hướng điều trị bệnh có thể kể đến là:
- Sử dụng các loại thuốc kê đơn như thuốc giảm đau, thuốc chống viêm,…
- Tiêm khớp.
- Duy trì thể trạng cân đối.
- Tập vật lý trị liệu tuỳ theo mức độ bệnh.
- Giữ lối sống khoa học.
- Phẫu thuật bỏ gai xương.
- Phẫu thuật thay thế khớp.
- Phẫu thuật chỉnh hình,…

Trên đây là tất cả thông tin có liên quan đến thoái hóa đa khớp. Mong rằng những chia sẻ trên có thể giúp độc giả hiểu rõ hơn về bệnh cũng như hướng điều trị chính xác.